Tổng thống Mỹ Obama (trái) và ứng viên tranh cử tổng thống đảng Cộng hòa Hillary Clinton. Ảnh: Reuters |
Có lẽ đã rất lâu rồi nước Mỹ mới phải đối diện với một lựa chọn khó khăn, khi cả hai ứng viên tranh cử tổng thống đều không được ủng hộ rộng rãi. Theo New York Times, hầu hết cử tri Mỹ đều nhìn cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump với ánh mắt không mấy thiện cảm.
Trong bối cảnh này, lại có một chính khách được lòng công chúng nổi lên, đó chính là Tổng thống Barack Obama. Mức tín nhiệm của ông tăng trở lại và đã vượt mốc 50%. Với những người thuộc đảng Dân chủ đang muốn tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng, đây quả là một món quà đến đúng lúc.
Theo khảo sát của Gallup, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ ông Obama đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay, và đạt trung bình 49,5% trong quý một, sau khi từng sụt giảm xuống mức 46,7% năm 2010 và 42,6% năm 2014. Trong tháng 5, tỷ lệ tín nhiệm ông Obama đã vượt 51%.
Có nhiều yếu tố đằng sau sự ủng hộ này. Kinh tế Mỹ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thâm hụt ngân sách liên bang được cải thiện. Ông chủ Nhà Trắng cũng đạt được thỏa thuận với các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ về việc chấm dứt cuộc chiến ngân sách và trần nợ công, từng bùng phát năm 2011.
Nếu ông Obama được phép tranh cử nhiệm kỳ ba, "ông ấy sẽ đắc cử dễ như đi dạo", chiến lược gia đảng Dân chủ Jonathan Rosen nói với The Hill. "Ông ấy có thể giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa những cử tri truyền thống của đảng Dân chủ cũng như cử tri độc lập xích lại gần nhau và ủng hộ bà Clinton".
Bài học lịch sử
Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ tổng thống đương nhiệm có thể được dùng để dự đoán ai sẽ là người kế nhiệm. Kể từ sau Thế chiến II, phe đối lập luôn là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nếu mức tín nhiệm của tổng thống đương nhiệm xuống dưới 45%, vào mùa xuân năm cuối nhiệm kỳ. Có thể kể đến những người tiền nhiệm của ông Obama như Harry S. Truman (năm 1952), Lyndon B. Johnson (năm 1968) và George W. Bush (năm 2008).
Trong khi đó, phần nhiều những tổng thống Mỹ có tỷ lệ ủng hộ cao hơn trong mùa xuân cuối cùng của nhiệm kỳ sẽ trao lại chìa khóa Nhà Trắng cho một người khác cùng đảng.
Dù vậy, cũng từng có ngoại lệ từng xảy ra vào năm 1960, khi tổng thống mãn nhiệm Dwight D. Eisenhower, một người Cộng hòa, được 60% cử tri Mỹ ủng hộ, đã chứng kiến ông John F. Kennedy, người đảng Dân chủ, đắc cử. Mới đây hơn, cựu tổng thống Bill Clinton rời Nhà Trắng năm 2001 với tỷ lệ ủng hộ rất cao, nhưng phó tổng thống là Al Gore sau đó lại thất bại trước đối thủ phe Cộng hòa là George W. Bush.
Một chi tiết đáng chú ý là từ sau Thế chiến II, lần duy nhất một đảng trên chính trường Mỹ chiến thắng trong ba kỳ bầu cử liên tiếp là vào năm 1988. Khi đó, sau hai nhiệm kỳ, ông Ronald Reagan giành được tỷ lệ ủng hộ trung bình 53%, và phó tổng thống George H. W. Bush sau đó thắng dễ dàng.
Di sản quan trọng
Tổng thống Obama được ủng hộ đặc biệt mạnh mẽ bởi những cử tri Dân chủ truyền thống, bao gồm những nhóm rất quan trọng như cử tri trẻ tuổi - nhóm mà bà Clinton vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút.
Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, bà Clinton luôn yếu thế trước đối thủ cùng đảng, thượng nghị sĩ Bernie Sanders, về tỷ lệ cử tri trẻ tuổi ủng hộ, dù dẫn trước với cách biệt lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Mối quan hệ chính trị giữa ông Obama và gia đình Clinton đã được thiết lập từ lâu, nhưng tồn tại khá nhiều rắc rối. Những hoài nghi vẫn còn tồn tại trong hàng ngũ cố vấn của hai người, sau cuộc đấu đầy kịch tính trong kỳ bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008.
Tuy nhiên, bà Clinton vẫn vận động cử tri ủng hộ ông Obama trong kỳ tổng tuyển cử năm đó, và thậm chí còn tới Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ để bày tỏ sự ủng hộ với ông Obama. Năm 2012, cựu tổng thống Bill Clinton đã có bài diễn thuyết rất hiệu quả để ca ngợi thành tích về kinh tế của ông Obama, khi ông Obama tranh cử nhiệm kỳ hai.
Trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, bà Clinton bảo vệ thành quả trong chính sách đối nội của ông Obama: Đạo luật Chăm sóc Y tế Obamacare. Bà cũng nêu quan điểm về chính sách thắt chặt việc sử dụng súng của Tổng thống Obama trong một quảng cáo in chữ: "Tôi ủng hộ ông ấy".
Tuy nhiên, năm 2014, bà đã phê bình quan điểm đối ngoại của ông Obama, nói rằng: "Các quốc gia lớn cần những nguyên tắc có tính tổ chức. 'Đừng làm những điều ngu ngốc' không phải là một nguyên tắc có tính tổ chức".
Dù từ sau Thế chiến II, chỉ có một lần duy nhất một đảng chiến thắng ba lần liên tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng 2016 có thể là năm đặc biệt. Những phát ngôn gây chia rẽ của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có thể khiến một số cử tri tìm tới lựa chọn an toàn, với những phẩm chất đã được kiểm chứng như bà Clinton.
Yếu tố này có thể đủ mạnh để đảo ngược tỷ lệ cử tri có quan điểm không thiện cảm với cựu ngoại trưởng, cũng như sự miễn cưỡng mang tính truyền thống của cử tri Mỹ trong việc hậu thuẫn các ứng viên thuộc một đảng làm chủ Nhà Trắng ba nhiệm kỳ liên tiếp.
"Chắc chắn việc giành quyền vào Nhà Trắng trong ba kỳ bầu cử liên tiếp là một thách thức. Với tư cách ứng viên dẫn đầu, mọi mũi dùi đều chĩa về phía bạn. Nhưng bạn có thể vượt qua thách thức đó khi tổng thống đương nhiệm cùng đảng có mức tín nhiệm cao", chiến lược gia đảng Dân chủ Evan Stavisky nhận định.
"Bà ấy đang ganh đua với một người nằm ngoài chuẩn mực chính trị", chuyên gia này nói thêm. "Donald Trump không chỉ là người ngoài ngành, ông ta còn thực sự khiến nhiều người hoảng sợ".
Tất nhiên, ông Trump và những người ủng hộ tỷ phú có thể tranh luận theo chiều ngược lại, rằng người dân sẽ không muốn đưa vào Nhà Trắng một người phụ nữ đã luôn ở trung tâm sân khấu chính trị suốt một phần tư thế kỷ, đặc biệt nếu bà ấy có xu hướng thiên về việc tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm.
Grant Reeher, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, cho rằng dù ông Obama có thể rất giỏi trong việc đoàn kết những người Dân chủ và kích thích cử tri truyền thống của đảng này, khả năng tổng thống có thể giúp bà Clinton giành về những cử tri độc lập hoặc thân đảng Cộng hòa là chưa rõ ràng.
"Tôi không nghĩ ông ấy ở vị trí giống như cựu tổng thống Ronald Reagan năm xưa. Những người Cộng hòa giờ thực sự đặt họ vào vị trí đối đầu với ông Obama. Những cử tri Dân chủ thời ông Reegan không như vậy. Do đó, xét về khả năng đoàn kết cử tri bên ngoài đảng Dân chủ, tôi không dám chắc".
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Với vị trí thuận lợi về giao thông cách Trung Tâm Quận 1 khoảng 5km, cách khu kinh tế mới Quận 2, Quận 9 khoảng 6km, Phát Thịnh Hotel (Khách sạn Châu Long cũ) tọa lạc ngay trung tâm Phú Mỹ Hưng cách Trung Tâm triển Lãm Quốc Tế Sài gòn (Nguyễn Văn Linh) chỉ 1.5km . Ngay đối...